Thời trang bền vững là xu hướng sản xuất và tiêu dùng thời trang nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để xây dựng một ngành thời trang bền vững, cần sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà sản xuất, thương hiệu thời trang đến người tiêu dùng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm thời trang bền vững, những lợi ích của nó và vai trò của từng cá nhân trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.
Thời trang bền vững là những nỗ lực xanh hóa quá trình sản xuất và sử dụng của toàn bộ nền công nghiệp thời trang. Những nỗ lực này giúp giảm thiểu tác động tới môi trường như giảm thiểu hao hụt tài nguyên thiên nhiên, rác thải trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, giảm stress đến con người tham gia sản xuất và sử dụng sản phẩm.
Sau khi thời trang nhanh (fast fashion) ra đời trong thế kỷ 20, sự hao hụt tài nguyên thiên nhiên (nước, nguyên vật liệu, dầu mỏ và nhiên liệu) tăng nhanh do khối lượng sản phẩm được sản xuất ra thị trường tăng đột biến, đi cùng với đó lượng rác thải tạo ra đã hình thành nhiều bãi rác lớn, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái xung quanh.
Nếu không tìm được giải pháp hiệu quả để giải quyết lượng rác thải tạo ra có thể trong tương lai gần nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất sẽ cạn kiệt nhanh chóng. Do đó, những yếu tố phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang cần được hoàn thiện và phát triển nhanh chóng, để thay thế cho quá trình sản xuất tiêu thụ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Tuy nhiên để thực sự phát triển thời trang bền vững đúng nghĩa cần rất nhiều nỗ lực từ các bên. Thêm vào đó chi phí đầu tư cho quá trình xanh hóa sản xuất cũng sẽ tạo ra thách thức đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng xu hướng thời trang xanh như một chiêu bài truyền thông để “tẩy xanh” (greenwashing) thương hiệu của họ.
Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tổ chức tại Rio, đã công bố danh sách các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành thời trang và dệt may, đặc biệt trong đó có sự xuất hiện của hai thương hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là Patagonia và ESPRIT, những thương hiệu sau này được biết đến là một trong những nhãn hàng thời trang đầu tiên đặt vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhà sáng lập của hai thương hiệu trên là Doug Tompkins và Yvon Chouinard đã đưa ra nhận định rằng, mô hình sản xuất và kinh doanh hiện tại của các công ty trong ngành công nghiệp thời trang không đảm bảo tính bền vững. Cho nên họ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường vào mô hình sản xuất và kinh doanh của mình.
Cụ thể, Patagonia đã tiến hành đánh giá vòng đời của bốn loại sợi (bông, len, nylon, polyester) sử dụng trên sản phẩm. Trong khi đó ESPRIT lại tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sợi bông, vật liệu chiếm phần lớn trong quá trình sản xuất của họ (90%). Cho đến thời điểm hiện tại sau hơn 30 năm, các tiêu chuẩn về nguồn gốc và tác động của các loại sợi đối với môi trường do Patagonia và ESPRIT khởi xướng vẫn được coi là trọng tâm chính của phát triển thời trang bền vững.
Ngành công nghiệp thời trang được nhận định là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Nhiều báo cáo đánh giá ảnh hưởng của các ngành công nghiệp đối với môi trường trên thế giới đã chỉ ra rằng quy mô của ngành thời trang ngày càng lớn thì sức tàn phá đối với môi trường sẽ ngày càng khủng khiếp.
Các hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất tiêu thụ rất nhiều năng lượng và thải ra lượng khí thải CO2 khổng lồ. Ước tính 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang đến từ quá trình sản xuất vải như giặt, làm khô và nhuộm vải.
Thực tế cho thấy, lượng nước tiêu thụ trong ngành công nghiệp may mặc có thể đổ đầy 32 triệu hồ bơi của các cuộc thi Olympic. Theo UNCTAD, khoảng 93 tỷ m3 nước được ngành công nghiệp thời trang sử dụng cho quá trình sản xuất mỗi năm đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người. Khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, hiện đang bị đổ ra biển mỗi năm.
Các tổ chức môi trường ước tính, các nhãn hàng thời trang nhanh cần 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton; 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt; chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ chôn vào bãi rác.
Các tổ chức môi trường gần đây đã đưa nhiều cảnh cáo về sự ảnh hưởng của rác thải nhựa, trong đó có rác thải thời trang từ sợi poly/nylon. Quần áo cũ được bỏ lẫn trong môi trường nhiều năm là nguồn phân tán các hạt vi nhựa, những hạt này đi vào chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và các loài động vật.
Một sản phẩm muốn được đánh nhãn thời trang bền vững đúng nghĩa cần hội tụ những yếu tố sau đây:
Vải sử dụng cho quá trình sản xuất cần thân thiện với môi trường và có khả năng tự phân huỷ sinh học. Quá trình sản xuất sợi vải không phát thải các chất độc hại làm ô nhiễm môi trường.
Trên thị trường hiện nay có nhiều chủng loại vải được dệt từ chất liệu thiên nhiên nhưng trong quá trình dệt, các đơn vị sản xuất sẽ thêm vào các chất hoá học đặc trưng nhằm tạo độ bền hoặc giúp vải tăng khả năng bám màu nhuộm tốt hơn. Những hóa chất này nếu không được xử lý bằng hệ thống xử lý đặc biệt đã qua kiểm định trước khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng.
Những loại vải được dệt từ thành phần tổng hợp sau khi trải qua quá trình sử dụng sẽ tích trữ lượng lớn rác thải vì khả năng khó phân hủy của chúng. Việc chậm hoặc không phân huỷ này sẽ làm cho môi trường phải hứng chịu thêm một lượng lớn rác thải và tạo ra những chất gây ô nhiễm không khí.
Ngoài vải sử dụng trong quá trình sản xuất thì màu nhuộm cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng môi trường không kém. Những loại màu nhuộm tổng hợp có thể gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất màu và nhuộm vải. Đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động và người tiêu dùng. Ngoài ra những màu nhuộm tổng hợp hay chất chống nhăn vải được sử dụng để hoàn tất có khả năng gây kích ứng da và đường hô hấp đối với người tiêu dùng.
Vải Lyocell là loại vải được dệt từ thành phần cellulose bột gỗ của các loại cây trồng chuyên lấy gỗ. So với những loại vải khác, vải Lyocell được sản xuất thông qua quy trình khép kín nên việc xả thải ra môi trường hầu như không có.
Các loại cây lấy gỗ để sản xuất vải Lyocell không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác nhưng vẫn có thể phát triển tốt. Sau khi nghiền thành bột gỗ, sẽ tạo ra vải thông qua quá trình xúc tác với oxit amin. Lượng oxit amin trên được tái sử dụng nhiều lần để chế tạo vải, cho nên sẽ không bị thải ra ngoài môi trường. Những loại vải Lyocell được cấu tạo từ các thành phần tự nhiên nên chúng sẽ có đặc tính tự phân huỷ sinh học rất cao.
Vải Tencel cũng thuộc nhóm này vì sử dụng xơ gỗ bạch đàn, loại cây này có khả năng mọc nhanh và không sử dụng nước. Dung môi sử dụng để se sợi được tái sử dụng cho lần sản xuất tiếp theo giúp giảm hao phí và không xả thải ra môi trường.
Vải len được dệt từ những sợi lông của các loài động vật như cừu, dê, lạc đà,… Vì thế chúng được xem như nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học hay các phản ứng hóa học để tạo ra sợi vải thành phẩm.
Vải len có độ bền cao nên thời gian sử dụng rất dài. Nhưng cũng cần lưu ý đối với loại vải này cần hạn chế bỏ quần áo len cũ ra môi trường, mặc dù chúng có khả năng tự phân huỷ sinh học rất cao.
Để đảm bảo vải len trở thành chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường. Các đơn vị sản xuất cần tuân thủ nguyên tắc nhân đạo đối với động vật trong quá trình nuôi và lấy lông. Những con vật phải được sống tự do, hạnh phúc, đảm bảo vệ sinh và không bị giết hại.
Lanh là loại vải được dệt từ sợi lấy từ thân của cây lanh chính vì thế chúng được xem như nguyên liệu từ tự nhiên không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất.
Vải linen hữu cơ phải được sản xuất thông qua việc ngâm thân cây lanh trong nước để lấy thành phần gỗ từ thân cây thay vì sản xuất thông qua quá trình ủ thân cây trong kiềm hoặc axit oxalic như cách làm truyền thống.
Vì được sản xuất từ thân cây lanh cho nên vải lanh có đặc tính tự phân hủy sinh học tốt, các phần từ của vải lanh có khả năng phân hủy trong môi trường sau vài năm.
Nhưng các yếu tố trên vẫn chưa đủ để đánh giá loại vải này đủ tiêu chuẩn của thời trang bền vững nếu như không đảm bảo được việc tránh xảy ra tình trạng xói mòn đất đai trong quá trình canh tác.
Vải Hemp được dệt từ sợi tạo ra bởi thân cây gai dầu cho nên loại vải này được xem là gần gũi với môi trường. Theo các báo cáo của nhiều nghiên cứu các chuyên gia môi trường đánh giá rằng cây gai dầu cần ít đất hơn cây bông trong quá trình canh tác và việc nó thải ra các chất độc hại dường như không có.
Ngoài ra cây gai dầu còn được xem như nguyên liệu thô âm tính với carbon. Chúng không những thải ra rất ít khí carbon mà còn hấp thụ ngược lại carbon nhiều hơn so với lượng thải ra. Mặt khác trong quá trình canh tác cây gai dầu chúng không cần sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ nào để hỗ trợ cho quá trình phát triển. Đây là một ưu thế rất lớn khi khu vực đất trồng cây gai dầu không bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại.
Vì có thành phần từ tự nhiên nên vải Hemp cũng có đặc tính tự phân huỷ sinh học như các loại vải có nguồn gốc từ thiên nhiên khác, điều này giúp môi trường không phải gánh chịu một lượng rác thải lớn.
Được dệt từ sợi lấy của thân cây sen cho nên vải lụa tơ sen có khả năng phân hủy tốt vì có thành phần từ thiên nhiên.
Quá trình sản xuất của vải lụa tơ sen không sử dụng chất hóa học cho nên sợi vải rất thân thiện với môi trường và không gây hại đến sức khỏe của người sử dụng mà còn rất mềm mại dễ chịu.
Nhưng vì quá trình sản xuất hiện tại của vải lụa tơ sen hoàn toàn được làm thủ công cho nên tốn rất nhiều sức người để dệt nên, đồng thời nguồn nguyên liệu sản xuất cũng khá hạn chế. Chính vì vậy sản lượng sản xuất hàng năng không nhiều dẫn đến giá thành cao nên cũng rất ít người sử dụng.
Khác với sợi cotton trước giờ được sử dụng nhiều, sợi cotton organic được sản xuất từ cây bông có hạt giống không biến đổi gen. Thêm vào đó quá trình canh tác không sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu để thúc đẩy tăng trưởng. Phương pháp sản xuất này được xem như một bước đột phá lớn của quá trình canh tác, giúp hạn chế các vấn đề ô nhiễm về đất và nguồn nước đối với môi trường.
Để đảm bảo tính bền vững thân thiện với môi trường của sợi vải thành phẩm, các nhà sản xuất sử dụng các phương pháp hữu cơ trong quá trình sản xuất, tất cả các công đoạn từ đầu vào thu hoạch, tinh chế xơ bông, dệt vải và nhuộm để phải tuân theo tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ đề ra. Chính điều này giúp sợi cotton organic thân thiện hơn đối với làn da của người sử dụng.
Được phát triển bởi Công ty Singtex đến từ Đài Loan. Xuất phát từ việc tận dụng bã cà phê được làm sạch và tách bỏ dầu sau đó chúng được nghiền nhỏ với kích thước micro, nano rồi trộn cùng với polymer được tái chế từ các chai nhựa PET.
Theo báo cáo của các hiệp hội môi trường chỉ ra rằng, cứ 3 ly cà phê và 5 chai nhựa đã có thể sử dụng để sản xuất được một chiếc áo. Tuy có sử dụng polyme trong thành phần vải nhưng quá trình tái chế này giúp hạn chế đi số lượng rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường.
Vải cà phê có đặc tính thấm hút tốt hơn nhiều lần so với vải cotton. Không những thế, loại vải này còn đặc tính khử mùi và chống lại tia UV rất tốt. Quá trình sản xuất vải Cafe hiện nay tạo ra lượng khí CO2 thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với các loại vải khác trên thị trường.
Ngoài những loại vải kể trên, vải được dệt từ sợi tái chế cũng được xem là nguyên liệu thân thiện với môi trường, nhưng vẫn còn nhiều cuộc tranh luận về loại vải này chưa được các chuyên gia đi đến thống nhất.
Một trong số chủng loại vải tái chế có thể kể đến như cotton tái chế thường được sử dụng trong các sản phẩm denim hoặc áo thun.
Để sản xuất vải cotton phải sử dụng lượng lớn nước sạch để trồng cho nên việc tái sử dụng sẽ giúp hạn chế rất nhiều ảnh hưởng của quá trình canh tác lấy vải từ cây bông đến môi trường. Nhưng đi cùng với đó một số nghiên cứu chỉ ra rằng vải cotton tái chế sẽ làm giảm tuổi thọ của sản phẩm, mặc dù chúng tạo ra cảm giác mềm mại hơn so với cotton nguyên chất.
Sợi gốc dầu mỏ cũng được nhiều thương hiệu xem như giải pháp thân thiện với môi trường. Rác thải nhựa tái chế thành Nylon hoặc Polyester cũng được các nhãn hàng quảng bá là giải pháp tối ưu giúp giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các sợi gốc dầu mỏ này tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vì các hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Quá trình sản xuất nguyên vật liệu của ngành thời trang được xem như một trong những yếu tố cần quan tâm. Các yếu tố có thể kể đến như:
Các thương hiệu thời trang bền vững thường chú trọng đến việc theo dõi và đảm bảo rằng quá trình sản xuất của họ tuân theo các tiêu chuẩn về môi trường và đạo đức.
Quá trình vận chuyển tiêu thụ nhiều nguyên liệu xăng dầu (tàu biển, xe, máy bay) và than đốt (tàu hỏa). Quãng đường vận chuyển càng dài sẽ tiêu thụ lượng tài nguyên thiên nhiên càng nhiều. Cùng với đó lượng khí CO2 phát thải vào môi trường gây ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên.
Để giảm mức độ ảnh hưởng của các hoạt động vận chuyển trên các chính phủ đã khuyến khích người tiêu dùng mua và sử dụng các sản phẩm tại địa phương. Ngoài ra, một số nhãn hàng đã phát động các chiến dịch trồng cây gây rừng dựa trên số lượng đơn hàng được bán ra.
Phần lớn lượng rác thải của ngành thời trang đến từ hành vi của người tiêu dùng, trong đó xu hướng thời trang nhanh được xem như yếu tố góp phần gây ô nhiễm môi trường của ngành thời trang toàn cầu. Để giải quyết vấn đề trên các nhãn hàng đã tạo ra các sản phẩm thời trang bền vững. Các sản phẩm này có thời gian sử dụng lâu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phong dáng ổn định qua thời gian.
Điều này giúp cho người tiêu dùng không cần thay thế quần áo định kỳ vì chất lượng sản phẩm hoặc kiểu dáng do tính ứng dụng trong thiết kế của các sản phẩm bền vững khá cao. Các sản phẩm thời trang bền vững có thể sử dụng nhiều mùa trong năm, vì đặc tính ứng dụng cao nên rất dễ phối đồ phù hợp với nhiều outfit hoặc các dịp khác nhau.
Thời trang bền vững không chỉ gói gọn vào những yếu tố nguyên vật liệu, sản phẩm, môi trường,… Mà còn đặt trọng tâm vào người lao động trong chuỗi cung ứng của ngành thời trang toàn cầu. Các doanh nghiệp hướng đến phát triển thời trang bền vững bắt buộc phải đảm bảo đời sống cho lao động từ điều kiện làm việc, mức lương và sự phát triển của họ, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
Để phát triển thời trang bền vững yêu cầu các nhà máy sản xuất không được sử dụng lao động trẻ em và hướng đến mục tiêu tạo cho người lao động một môi trường làm việc lành mạnh, quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của người lao động.
Thời trang bền vững mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm lợi ích đối với môi trường, người tiêu dùng, và ngành công nghiệp thời trang.
Thời trang bền vững giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Sự chọn lựa thông minh về chất liệu giúp giảm tiêu thụ tài nguyên tự nhiên quý báu và giảm ô nhiễm môi trường.
Không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất thời trang bền vững giúp bảo vệ môi trường nước và đảm bảo rằng không có chất thải công nghiệp độc hại đổ ra môi trường tự nhiên.
Người tiêu dùng được hưởng lợi khi lựa chọn thời trang bền vững. Các sản phẩm thời trang bền vững thường có chất lượng cao hơn và thiết kế tốt hơn, do đó chúng thường kéo dài tuổi thọ sử dụng. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng trong dài hạn.
Hơn nữa, khi mua sắm thời trang bền vững, họ cảm thấy hài lòng vì đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và đảm bảo rằng công nhân sản xuất nhận được điều kiện làm việc tốt hơn bằng thói quen sử dụng các sản phẩm thời trang bền vững của mình.
Thời trang bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và người tiêu dùng mà còn giúp cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp thời trang. Điều này có thể thu hút thêm người mua sắm và đối tác kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo của ngành.
Các thương hiệu thời trang bền vững cũng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn đến các thị trường mới với những nhóm khách hàng tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường hơn từ đó tạo nên sự bền vững kinh doanh trong tương lai. Tóm lại, thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một cách tiếp cận thông minh và đáng giá cho môi trường, người tiêu dùng và ngành công nghiệp thời trang.
– Patagonia “Ông vua thời trang tái chế”
– Everlane “Thời trang tối giản nguyên liệu nhựa tái chế”
– Allbirds “những đôi giày từ vật liệu tái chế”
– Pact “vật liệu bông hữu cơ”
– Saitex “là một nhà máy denim bền vững nhất thế giới”
– Levi’s “sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng để tái chế thành sợi polyester, Dòng quần Jeans Water<Less tiết kiệm nước 96%”
Không nằm ngoài xu hướng thời trang bền vững đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam nhiều nhãn hiệu đặt giá trị phát triển cốt lõi hướng đến thời trang bền vững cũng được ra đời cùng với sự chuyển đổi theo xu hướng của các thương hiệu lâu đời của ngành thời trang tại Việt Nam.
Các thương hiệu thời trang Local Brand bền vững tại Việt Nam có thể kể đến như: Metiseko, TimTay, Kilomet109,… Ngoài ra các thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài hướng đến thời trang bền vững như: Uniqlo, H&M, Levi’s,…
Theo khảo sát của Nielsen, 66% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm thời trang bền vững. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển thị trường thời trang bền vững tại Việt Nam vô cùng tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải giải quyết để đón đầu xu hướng này như việc thiếu nguồn cung nguyên liệu thân thiện với môi trường, công nghệ sản xuất chưa đáp ứng để tạo ra các loại sợi thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất cao,…
Có rất nhiều chứng chỉ phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang, mỗi chứng chỉ sẽ tập trung vào các khía cạnh khác nhau trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của chuỗi giá trị ngành thời trang toàn cầu. Dưới đây là một số loại chứng chỉ tiêu biểu:
GOTS (Global Organic Textile Standard): Chứng nhận các sản phẩm dệt may được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design): Chứng nhận công trình xanh thông qua hiệu quả sử dụng năng lượng và môi trường trong thiết kế và vận hành.
ISO 14001: Chứng nhận hệ thống quản lý môi trường của doanh nghiệp giúp cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Chứng chỉ SA8000: Chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng không bóc lột sức lao động.
Chứng chỉ Fair Trade Certified: Chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, đảm bảo người lao động được trả lương công bằng và điều kiện làm việc tốt.
Chứng chỉ OEKO-TEX Standard 100: Chứng nhận các sản phẩm dệt may không chứa hóa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chứng chỉ bluesign: Chứng nhận các sản phẩm dệt may được sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động môi trường.
Tóm lại, thời trang bền vững là một sự chuyển đổi cần thiết trong ngành công nghiệp thời trang trên toàn cầu. Tại NBT chúng tôi luôn cố gắng tạo ra các bộ đồng phục bằng các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên thân thiện với môi trường. Ngoài ra chúng tôi luôn hỗ trợ và nâng cao đời sống người lao động tại nhà máy ngày càng tốt lên. Tất cả những điều trên đều dựa trên tinh thần Đạo Đức – Trách Nhiệm đối với môi trường, nhân viên và sản phẩm, Kiên Định với những giá trị mục tiêu mà doanh nghiệp đã đặt ra.
——————————
Công Ty Cổ Phần Thương Mại Nhà Bè – Nha Be Trading Joint Stock Company
Website: https://nbtrade.com.vn/
Email: info@nbtrade.com.vn
Phone: (+84) 906 22 57 57
Facebook: https://www.facebook.com/nhabetrading
Linkedin: https://www.linkedin.com/company/nha-be-trading-joint-stock-company